Thiền
do Thiền sư S.N. Goenka Giảng Dạy
Vipassana
theo truyền thống của Sayagyi U Ba Khin
Hỏi đáp về thiền Vipassana
Tại sao khóa thiền lại dài tới 10 ngày?
Thật ra, khóa thiền 10 ngày là thời gian tối thiểu; nó cung cấp một sự giới thiệu về cốt yếu và nền tảng của phương pháp. Để trưởng thành trong sự tu tập là công việc của cả một đời người. Kinh nghiệm của nhiều thế hệ cho thấy rằng nếu Vipassana được giảng dạy trong thời gian dưới mười ngày, thiền sinh không có đủ kinh nghiệm về kỹ thuật. Theo truyền thống, Vipassana đươc truyền dạy trong những khóa dài bẩy tuần. Vào đầu thế kỷ 20, những thiền sư trong truyền thống này bắt đầu thử nghiệm với thời gian ngắn hơn để phù hợp với nhịp độ nhanh hơn của cuộc sống hiện đại. Các thiền sư đã thử 30 ngày, hai tuần, xuống đến bẩy ngày — và họ thấy rằng dưới mười ngày không đủ thời gian để tâm được lắng đọng và ảnh hưởng sâu đậm vào hiện tượng tâm — thân.
Mỗi ngày tôi sẽ thiền bao nhiêu giờ?
Ngày bắt đầu vào lúc 4:00 giờ sáng bằng một hồi chuông báo thức và tiếp tục cho tới 9:00 giờ tối. Có khoảng mười tiếng hành thiền trong suốt ngày, xen kẽ với những giờ giải lao và giờ nghỉ. Mỗi buổi chiều vào lúc 7:00 giờ, có một buổi pháp thoại bằng video của Thiền sư S.N. Goenka để giảng giải cho thiền sinh hiểu rõ những gì đã chứng nghiệm trong ngày. Chương trình này đã chứng tỏ có hiệu lực và hữu ích cho hàng trăm ngàn người trong nhiều thập niên.
Ngôn ngữ nào được dùng trong khóa thiền?
Sự giảng dạy của Thiền sư S.N. Goenka được thâu âm bằng tiếng Anh hay tiếng Ấn, cùng với sự chuyển âm sang tiếng địa phương. Có băng chuyển âm sang hầu hết những tiếng chính trên thế giới, gồm cả tiếng Anh. Nếu thiền sư hướng dẫn khóa thiền không thông thạo tiếng địa phương, những thông dịch viên sẽ có mặt để trợ giúp. Ngôn ngữ thường không phải là trở ngại cho những ai muốn tham dự khóa thiền.
Chi phí cho khóa thiền là bao nhiêu?
Đây là món quà của thiền sinh cũ hiến tặng cho thiền sinh tham dự khóa thiền Vipassana. Không phải trả tiền cho sự giảng dạy hay nơi ăn chốn ở. Mọi khóa thiền Vipassana trên thế giới được mở ra hoàn toàn dựa trên căn bản đóng góp tự nguyện. Vào cuối khóa thiền, nếu quý vị hưởng được những lợi lạc gì, quý vị cứ tự nhiên đóng góp cho khóa tới tùy theo lòng hảo tâm và khả năng của mình.
Thiền sư được trả bao nhiêu để hướng dẫn khóa thiền?
Các thiền sư không nhận thù lao, hiến tặng hay những lợi nhuận về tài vật khác. Tự họ phải có kế sinh nhai riêng. Điều lệ này có nghĩa là một số thiền sư có ít thì giờ để giảng dạy hơn, nhưng nó giúp ngăn ngừa việc lạm dụng thiền sinh và tránh được nguy cơ bị thương mại hóa. Trong truyền thống thiền này, các thiền sư giảng dạy Vipassana đơn thuần là việc phục vụ người khác. Tất cả những gì họ thu nhận được là sự hài lòng trước niềm hạnh phúc của những người khác vào cuối khoá 10 ngày.
Tôi không thể ngồi xếp bằng. Tôi có thể hành thiền được không?
Chắc chắn là được. Ghế ngồi được cung cấp cho những người không thể ngồi trên sàn nhà một cách thoải mái vì tuổi tác hoặc vì lý do sức khỏe.
Tôi ăn kiêng. Tôi có thể mang theo thức ăn riêng được không?
Nếu bác sĩ bắt quý vị phải ăn kiêng, xin cho chúng tôi biết để chúng tôi xem có thể cung ứng những gì quý vị cần. Nếu chế độ ăn kiêng của quý vị quá phức tạp và có thể ảnh hưởng đến việc hành thiền, chúng tôi có thể yêu cầu quý vị chờ cho tới khi việc ăn uống đỡ phức tạp hơn. Chúng tôi rất tiếc, nhưng thiền sinh được yêu cầu dùng thức ăn do chúng tôi nấu thay vì tự đem theo thức ăn riêng của mình. Hầu hết mọi người đều thấy rằng có đầy đủ thức ăn và thích thú với những món ăn chay giản dị.
Phụ nữ mang thai có thể tham dự khóa thiền được không? Có sự thu xếp hoặc hướng dẫn đặc biệt nào cho họ không
Phụ nữ mang thai chắc chắn có thể tham dự, và nhiều phụ nữ chỉ đặc biệt tới trong lúc mang thai để tận dụng cơ hội tu tập nghiêm chỉnh và yên tĩnh trong thời kỳ đặc biệt này. Chúng tôi đòi hỏi những người mang thai phải cam đoan là không có trở ngại nào khi nạp đơn. Chúng tôi cung cấp thêm thức ăn cho họ và nói họ tu tập một cách thư thả hơn.
Tại sao khóa thiền được tiến hành trong im lặng?
Tất cả các thiền sinh tham dự khóa thiền tuân theo sự “im lặng cao quý” — có nghĩa là, im lặng về việc làm, lời nói, ý nghĩ. Họ được yêu cầu tránh không liên lạc với người đồng tu. Tuy nhiên, thiền sinh được tự do liên hệ với ban quản trị khi có nhu cầu vật chất, và được nói với thiền sư. Tuân theo sự im lặng trong chín ngày đầu. Vào ngày thứ mười, được nói chuyện trở lại để cho quen với sinh hoạt bình thường của cuộc sống hằng ngày. Sự thực tập liên tục là bí quyết của thành công trong khóa thiền này; im lặng là một điều khoản cốt yếu để duy trì sự liên tục trong việc tu tập.
Làm sao tôi biết chắc là tôi có đủ khả năng để hành thiền?
Đối với một người có một sức khỏe vừa phải về thể xác và tinh thần, thành thật muốn và sẵn lòng gắng sức thật sự, hành thiền (gồm cả “im lặng cao quý”) không có gì là khó khăn cả. Nếu quý vị có thể làm theo sự hướng dẫn một cách kiên nhẫn và chăm chỉ, quý vị chắc chắn phải gặt hái được thành quả cụ thể. Mặc dù trông có vẻ khắt khe, chương trình hằng ngày không quá ngặt nghèo cũng không quá dễ dãi. Hơn nữa, sự hiện diện của những thiền sinh khác tu tập một cách cần mẫn trong một không khí an lạc và hữu hiệu hỗ trợ rất nhiều cho nỗ lực cá nhân.
Có người nào không nên tham dự khóa thiền không?
Dĩ nhiên những người sức khỏe quá yếu để tuân theo chương trình sẽ không có thể được lợi ích từ khóa thiền. Điều đó cũng đúng cho những người bị trở ngại về tâm thần, hoặc những ai đang bị rắc rối về tình cảm. Qua phương cách hỏi và đáp, chúng tôi có thể giúp quý vị quyết định rõ ràng là quý vị có ở trong vị thế hưởng được lợi lạc từ khóa thiền hay không. Trong nhiều trường hợp, thiền sinh phải có sự chấp thuận của bác sĩ trước khi được chấp nhận.
Vipassana có thể chữa khỏi những bệnh về thể xác hay tinh thần không?
Nhiều bệnh phát sinh từ sự xáo trộn nội tâm. Nếu sự xáo trộn mất đi, căn bệnh có thể bớt hoặc hết. Nhưng học Vipassana nhằm để chữa bệnh là sự một sai lầm và không bao giờ công hiệu. Những người làm như thế chỉ phí thì giờ bởi vì họ chú trọng vào mục tiêu sai lạc. Họ có thể làm hại chính họ. Họ sẽ không hiểu được thiền một cách đúng đắn cũng như không thành công trong việc chữa lành bệnh.
Còn bệnh trầm cảm thì sao? Vipassana có chữa hết trầm cảm không?
Một lần nữa, mục đích của Vipassana không phải là để chữa bệnh. Người thiệt sự tu tập Vipassana biết cách có được hạnh phúc và bình tâm trong mọi hoàn cảnh. Nhưng một người bị trầm cảm nặng lâu ngày không có đủ khả năng để áp dụng phương pháp một cách đúng đắn và không thể đạt được thành quả mong đợi. Điều tốt nhất cho một người như thế là làm việc với người chuyên môn. Thiền sư Vipassana là những người chuyên môn về thiền chứ không phải là bác sĩ tâm thần.
Vipassana có thể làm cho người ta bị mất quân bình về tinh thần không?
Không. Vipassana chỉ dạy cho quý vị có ý thức và bình tâm, nghĩa là, quân bình mặc dù những thăng trầm của cuộc sống. Nhưng nếu có người tới khóa thiền mà dấu diếm những rắc rối trầm trọng về tình cảm, người đó có thể không hiểu phương pháp hoặc không áp dụng đúng cách để đạt được thành quả mong muốn. Đây là tại sao rất quan trọng phải cho chúng tôi biết quá trình của quý vị để chúng tôi xét xem quý vị có thể có được lợi ích từ khóa thiền hay không.
Tôi có phải là một phật tử để tu tập Vipassana hay không?
Nhiều người thuộc nhiều tôn giáo và không tôn giáo đã nhận thấy khóa thiền hữu ích và có lợi lạc. Vipassana là một nghệ thuật sống, một cách sống. Trong lúc Vipassana là tinh túy của những gì Đức Phật giảng dạy, nó không phải là một tôn giáo; trái lại, nó là sự vun trồng phẩm giá con người đưa đến một cuộc đời tốt lành cho mình và tốt lành cho những người khác.
Tại sao tôi phải ở lại trọn mười ngày?
Vipassana được giảng dạy từng bước một, với những bước mới được thêm vào mỗi ngày cho tới cuối khóa. Nếu về sớm, quý vị không học được toàn thể và không cho phương pháp có cơ hội phục vụ quý vị. Cũng thế, bằng cách thực tập một cách nghiêm túc, người tham dự bắt đầu một tiến trình chỉ có kết quả tốt vào lúc kết thúc khóa thiền. Gián đoạn tiến trình trước khi kết thúc là điều không nên.
Rời khóa thiền sớm có nguy hiểm không?
Việc rời khoá thiền sớm là tự hại mình. Quý vị không cho mình cơ hội học được toàn thể phương pháp và quý vị không thể áp dụng nó một cách thành công trong cuộc sống hằng ngày. Quý vị cũng làm gián đoạn tiến trình ở nửa chừng thay vì để nó kết thúc một cách đúng đắn. Khi về nhà sớm hơn một hay hai ngày, quý vị phí phạm những thì giờ mà quý vĩ đã bỏ ra.
Còn ngày thứ mười, khi được phép nói chuyện và sự hành thiền nghiêm chỉnh chấm dứt, thì sao? Khi đó tôi có được về không?
Ngày thứ mười là ngày rất quan trọng để chuyển sang cuộc sống bình thường. Không ai được phép ra về vào ngày đó.